Chợ truyền thống – cần thay đổi để tồn tại và phát triển

Chợ truyền thống từ xưa đến nay được coi là địa điểm mua bán ưa thích của người dân gắn với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, ấn tượng của mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội ngày càng phát triển, những hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị…, thì thị phần chợ đang dần mất đi những giá trị vốn có. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cần phải có những quy hoạch chiến lược để chợ truyền thống có thể thay đổi, phát triển và tìm lại được “chỗ đứng” của mình.

Chợ truyền thống dần mất đi thị phần 

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 133 chợ. Gồm: 22 chợ hạng I, 23 chợ hạng II, 88 chợ hạng III. Hằng năm, công tác quản lý, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào ổn định.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, qua khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, tại một số chợ, hoạt động khai thác, kinh doanh vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định, như: Công tác đầu tư, di chuyển chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; vệ sinh môi trường; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động không hiệu quả; công tác xử lý, dẹp bỏ đối với các chợ tạm, chợ tự phát còn hạn chế; việc xử lý đối với các hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi chợ hay xây dựng văn minh thương mại chưa được quyết liệt; chưa phát huy được tính chủ động của địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ…

Cùng với đó, hiện nay so với sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại… Có tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống. Khiến cho thị phần chợ ngày càng mất đi sự tồn tại vốn có. Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, toàn tỉnh có 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 88 cửa hàng tiện ích, 26 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP.

Khó khăn trong việc quản lý hoạt động chợ

Ông Lê Văn Tình, Phó Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Hiện trên địa bàn thị xã có 18 chợ đang hoạt động, trong đó có 2 chợ loại I, 2 chợ loại II, 15 chợ loại III. Hằng năm, các ban quản lý chợ đều đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công tác quản lý tại chợ. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động tại chợ trên địa bàn vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.

Đặc biệt, một số chợ đã được chuyển đổi sang doanh nghiệp đầu tư, quản lý. Phần lớn các chợ trên địa bàn là chợ nông thôn, csht xuống cấp, cần được cải tạo. Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do vốn ban đầu lớn. Đó là việc thu hồi vốn chậm, các chợ chủ yếu ở khu vực xa trung tâm, dân cư thưa. Cùng với đó, kinh phí duy trì cho ban quản lý chợ cũng còn eo hẹp . Nhất lànhiều hình thức kinh doanh bán lẻ mới đã phát triển mạnh mẽ. Đây cũng phần nào làm ảnh hưởng tới sự phát triển, kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Chợ vẫn luôn là địa điểm giải quyết việc làm, thu nhập cho tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện tổng số điểm kinh doanh tại các chợ là 26.240 điểm. Những tiểu thương bán hàng tại chợ không chỉ là người mưu sinh, mà còn là những người truyền bá văn hóa, nét đẹp truyền thống và lưu giữ những hoạt động buôn bán giao thương tại chợ.

Thay đổi để hội nhập

Hiện nay, số lượng chợ truyền thống đã giảm nhiều so với giai đoạn 10 năm về trước. Năm 2010, trên địa bàn tỉnh có trên 200 chợ. Chủ yếu được quản lý theo hình thức ban quản lý và xã, phường quản lý. Theo thời gian, một số chợ đã được nâng cấp, chuyển đổi mô hình. Tuy nhiên mới chỉ cơ bản ở khu vực thành thị. Trong khi đó, chợ tại khu vực nông thôn thì vẫn còn hết sức nhỏ lẻ. Hầu hết mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể. Để có thể phát triển và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống lâu đời của nó.

Trên thực tế, chợ truyền thống có thể thay đổi được để tồn tại, phát triển mạnh mẽ. Với sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài nhằm thu hút người dân. Nhất là thị phần khách du lịch đến tham quan, mua sắm, ăn uống… Đặc biệt, Quảng Ninh thu hút cả chục triệu du khách mỗi năm thì đây là lợi thế, tiềm năng vô cùng lớn, “chìa khóa” để mở ra cơ hội thay đổi, phát huy lại những nét văn hóa đặc sắc của chợ truyền thống trong xu thế hội nhập.

Vì vậy, để tạo dựng được vị trí, các chợ truyền thống cũng phải tạo cho mình những cơ chế riêng về giá cả, thị trường cạnh tranh, chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, cũng phải phát huy được những thế mạnh của chợ với các mặt hàng buôn bán đồ tươi sống song song với đảm bảo các hạ tầng cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.

Những hình thức hiệu quả để phát triển chợ truyền thống

Một trong những hình thức đang được triển khai để phát triển chợ truyền thống là UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện triển khai công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đã có 40 chợ được đầu tư xây dựng, chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã đi vào hoạt động tại các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Cẩm Phả, Tiên Yên, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Giang cho biết. Thực tế hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới quản lý theo mô hình “đầu tư công, quản trị tư”. Đồng thời, Sở cũng tập trung kêu gọi đầu tư, cải tạo hệ thống chợ vùng nông thôn. Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương.

Tăng cường các biện pháp vận động các tiểu thương đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh. Tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bán đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi. Nhằm đáp ứng những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa đã có từ xưa của người tiêu dùng. Và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *