Gần một tháng nay, tiểu thương nhiều chợ truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi hơn khi ngày càng nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Các chợ đã có nhiều thay đổi từ cách đón tiếp đến chú trọng chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Để nhằm tạo ấn tượng đẹp thu hút khách hàng quay lại nhiều lần hơn.
Hiện nay, dù cuối tuần hay đầu tuần, chợ Bến Thành (Quận 1) luôn tấp nập du khách. Các quầy hàng trái cây, thực phẩm, quà lưu niệm… khách phải chờ đợi mới đến lượt vào chọn hàng.
Không kịp ăn trưa vì khách đến rất đông, chủ quán Bé Chè, bà Trương Thị Tuyết Trinh, vẫn cười tươi như hoa, cho biết:
Chợ Bến Thành đã “sống lại” thật rồi, sáu tuần qua, chợ luôn tấp nập như vậy. Cảm ơn thành phố đã kiểm soát được dịch, cho chợ mở cửa; cảm ơn quý khách đã quay lại chợ Bến Thành.
Tại chợ Bến Thành, những đoàn du khách đến từ Ấn Độ, Anh, Pháp… thoải mái thưởng thức món ăn tại chợ, mua sắm quần áo, túi xách. Tiểu thương bán hàng đúng giá, còn treo bảng giảm giá từ 5-15% để thu hút khách.
“Điểm cộng” cho chợ Bến Thành còn là việc nhận giữ xe cho khách đi chợ với giá cực mềm. Chị Lê Thị Thu Thảo (ngụ Quận 10) vui vẻ chia sẻ:
Tôi rất thích đi chợ Bến Thành nhưng ngại việc gửi xe. Bãi giữ xe đối diện chợ có giá tới 20.000 đồng mỗi lượt, nhiều lúc đông khách họ còn không nhận. Gần một tuần nay, chợ Bến Thành đã nhận giữ xe cho khách giá chỉ 5.000 đồng mỗi lượt.

Khách hàng vui một thì tiểu thương vui mười.
Bà Loan, tiểu thương khu vực kinh doanh quà lưu niệm nói:
Từ ngày chợ có dịch vụ giữ xe, lượng khách đến chợ tăng lên đáng kể. Ban Quản lý chợ còn tạo điều kiện bảo vệ tài sản, tiểu thương không phải mất nhiều thời gian dọn dẹp hàng ra, cất hàng vào. Chúng tôi chỉ cần trưng bày hàng hóa đẹp, thực hiện văn minh thương nghiệp để làm sao thu hút khách đến chợ nhiều hơn.
Đội trưởng đội Nghiệp vụ chợ Bến Thành Nguyễn Vĩnh Hà cho biết:
UBND Quận 1 đã cấp giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè đến hết năm 2022 để giữ xe máy cho khách có thu phí với giá 5.000 đồng mỗi lượt. Sau dịch bệnh, nhận thấy bà con gặp khó khăn trong kinh doanh, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến chợ tham quan, mua sắm, Ban Quản lý chợ Bến Thành đã kiến nghị lãnh đạo Quận 1 lập hai bãi giữ xe ở hai bên đường Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành, hoạt động mua bán tại chợ đã nhộn nhịp. Khách đông suốt tuần và càng đông hơn vào các ngày cuối tuần. Hiện, số tiểu thương trở lại chợ đã đạt hơn 80%, dự báo tiểu thương sẽ tiếp tục ra chợ buôn bán trở lại nhiều hơn.
Giữa trưa, khu vực ẩm thực tại chợ Tân Định (Quận 1) gần như kín bàn. Khách hàng tại đây hầu hết là người đi chợ hoặc khách quen ghé qua ăn sáng, ăn trưa, thưởng thức ly chè đá mát lạnh. Nhiều tiểu thương cho biết, so với vài tháng trước, lượng khách đến chợ nhiều hơn hẳn.
Chị Hoa, tiểu thương ngành ăn uống tại chợ Tân Định, bộc bạch:
Khu vực ẩm thực chợ Tân Định nằm cạnh đường nên rất tiện cho khách ghé lại ăn uống. Nhiều gian hàng chè, bún, miến mở bán luôn cả buổi tối và khách đông không kém ban ngày. Chúng tôi còn tăng cường bán hàng qua mạng, giao tận nơi đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Có thêm khách, mình bán được nhiều hàng nên vui lắm.
Còn tại chợ Bình Thới (Quận 11), việc xây dựng hình ảnh chợ an toàn thực phẩm đã phát huy hiệu quả khi những quầy hàng thực phẩm, rau xanh, trái cây, thịt cá… luôn nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới Đỗ Quốc Tiến cho biết:
Từ sau Tết, chợ đông khách hơn vì tại đây hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng. Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu kiểm tra để bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó cũng chính là cách tạo niềm tin giữ chân khách đến chợ.
Có thể bạn quan tâm: Tiểu thương chợ Đô Lương chuyển vào chợ hiện đại bậc nhất xứ Nghệ
Hiện, khoảng 400 trong số 560 quầy, sạp tại chợ đã mở lại, chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Chợ Bình Thới cố gắng không tăng giá nhiều mặt hàng trong giai đoạn “bão giá” hiện nay…
Theo thống kê của Sở Công thương thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2022 trên địa bàn là 99.657 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2021. Quý II/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố là 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2021; so với quý I/2022, tăng 10,5%.
Đại diện Sở Công thương thành phố cho biết:
Chương trình bình ổn thị trường được thành phố triển khai là một công cụ quan trọng giúp ổn định tình hình giá cả các mặt hàng. Trong đó, đối với nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp bình ổn sẽ duy trì lượng hàng chiếm từ 25-35% nhu cầu thị trường, bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, góp phần ổn định tình hình giá cả. Cùng với ổn định giá cả, ngành công thương cũng phối hợp các đơn vị thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng để hướng đến mục tiêu chung là ổn định tình hình thị trường tiêu dùng từ nay đến cuối năm…
- 24 khóa học sẽ giúp bạn trở thành bậc thầy trong Bất động sản
- Bảo lãnh đối ứng là gì? Quy định pháp luật về vấn đề này
- Đà Lạt muốn làm khu dân cư kết hợp phố đi bộ hơn 12 ha
- ĐẤT NỀN DỰ ÁN VÀ ĐẤT THỔ CƯ CÓ GÌ KHÁC NHAU ?
- Luật Kinh doanh bất động sản, siết quản lý môi giới
- Phân khúc bất động sản nào sẽ “sống khỏe” trong năm 2023?