Với kỳ vọng tìm kiếm những sản phẩm đặc trưng, mang lại lợi thế và thương hiệu cho mỗi địa phương ở vùng nông thôn theo chuỗi giá trị; thu hút các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất), kinh tế tập thể thực hiện. Gần đây, thành phố triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product – OCOP). Bước đầu, qua chọn lọc đã có những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí sản phẩm nông nghiệp sạch; tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Từng bước khẳng định thương hiệu nông sản sạch
Đến thời điểm này, toàn thành phố chưa có sản phẩm nào được công nhận là sản phẩm OCOP. Mặc dù một số địa phương của huyện huyện Hòa Vang vốn có nhiều sản vật nổi tiếng. Như: bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong), bưởi da xanh (xã Hòa Ninh), kiệu hương (xã Hòa Nhơn),…
Lý giải về điều này, từ thực tiễn của địa phương có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương nhận định:
Các sản phẩm còn thiếu điều kiện về phiếu kiểm nghiệm công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn VietGAP; mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu; nguồn gốc nguyên liệu, vấn đề liên kết chuỗi; câu chuyện sản phẩm…
Xã Hòa Khương đăng ký 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; kết quả chỉ có sản phẩm rau hữu cơ Tâm An được lựa chọn để xem xét chứng nhận. Hay như xã Hòa Phước đã chọn ra 2 sản phẩm hiệu quả nhất để đăng ký, qua đánh giá, dự kiến chỉ có sản phẩm bún khô Phước Hòa sẽ đạt tiêu chuẩn 3 sao, đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xã khác trên địa bàn huyện Hòa Vang khi triển khai đăng ký sản phẩm để xét chọn là sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Nguyễn Chí Trí còn cho hay:
Điều này cho thấy, lâu nay chúng ta chỉ làm theo hướng thủ công; chưa chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu, bảo đảm các quyền sở hữu… nên rất thiệt thòi. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát triển mô hình dự kiến đăng ký chương trình OCOP. Đồng thời tiến hành thành lập tổ hợp tác, dây chuyền sản xuất, xây dựng thương hiệu… tích cực hướng dẫn các hộ dân đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP
Bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang chỉ ra:
Những khó khăn, vướng mắc khiến nhiều sản phẩm địa phương chưa thể tham gia chương trình OCOP là do các hộ, chủ thể sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài ra, vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ chưa được chú trọng, chưa có kế hoạch, đánh giá tác động môi trường, chất lượng sản phẩm, thiếu câu chuyện sản phẩm…
Qua đánh giá, các sản phẩm sẽ được đánh giá và công nhận chuẩn OCOP gồm:
- Bún khô Phước Hòa (xã Hòa Phước), rau hữu cơ Tâm An của Tâm An Farm (xã Hòa Khương), rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong), bánh tráng Đại Cường (xã Hòa Phú), nấm linh chi Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn).

Hiện tại, Sở Công thương vẫn đang triển khai quy trình xét duyệt để tiến tới ban hành quyết định công nhận kết quả đánh giá, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của một địa phương không hề dễ dàng.
Nhưng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang góp phần thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa). Để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn; có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Theo danh sách dự kiến được công bố vào thời gian tới, hầu hết các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính vì vậy, việc được tham gia xét chọn cũng như được chứng nhận là sản phẩm OCOP được nhiều cá nhân, hộ sản xuất mong muốn tham gia. Góp phần khẳng định thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Hòa Vang nói riêng, TP. Đà Nẵng nói chung. Giúp các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dễ dàng hơn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.
Là hộ sản xuất hiếm hoi có sản phẩm tham dự xét chọn đạt chuẩn OCOP của huyện Hòa Vang; ông Trần Phước Ẩn – chủ cơ sở sản xuất bún khô Phước Hòa trên 20 năm tuổi cho biết:
Do sản xuất với quy mô hộ gia đình nên chưa chú trọng việc xây dựng thương hiệu; cùng một số tiêu chí khác về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…

Nhưng vừa qua, khi được UBND xã Hòa Phước hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ; ông tự tin hơn để đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm OCOP. “Tôi hy vọng sau khi đạt được chứng nhận, sản phẩm bún khô Phước Hòa sẽ có tiếng vang và thuận lợi hơn trong việc xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đầu ra sản phẩm sẽ được mở rộng hơn”, ông Ấn bày tỏ.
Trong khi đó, ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Túy Loan, đơn vị được lựa chọn để công nhận sản phẩm OCOP của huyện Hòa Vang, kỳ vọng sẽ tạo được động lực và bước đột phá cho việc xây dựng thương hiệu của sản phẩm. Nhất là mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ, có thể vào siêu thị lớn như Big C, Co.opmart…
Cần “hà hơi, tiếp sức”
Để hỗ trợ người dân, hộ sản xuất có thêm kinh nghiệm và sự chủ động trong việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương; ngoài sự nỗ lực của các chủ thể, theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) Trần Phước Bình, sự hỗ trợ của địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng.
Được biết, UBND huyện Hòa Vang đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí để tham gia chương trình cho những sản phẩm được đánh giá sơ bộ tiệm cận chuẩn OCOP. Với mức kinh phí khoảng 80 triệu đồng cho mỗi sản phẩm tham dự OCOP; các chủ thể sẽ được hỗ trợ các vấn đề về nhãn mác, mã tem vạch, mã QR; các loại giấy tờ về chứng minh tiêu chuẩn sản phẩm đạt an toàn thực phẩm…

Với những sản phẩm chưa đạt để tham gia chương trình OCOP, UBND huyện Hòa Vang có kế hoạch định hướng, tổ chức tập huấn cho người dân tiếp cận; đạt được các tiêu chí về đánh giá sản phẩm; và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng); tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm); tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế),… để đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP vào thời gian sớm nhất.
Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban đánh giá:
Việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cấp, xây dựng thành sản phẩm OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, các sản phẩm khi tham gia OCOP sẽ có sự đầu tư chỉn chu. Từ đó nâng cao ý thức các cơ sở sản xuất về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Để hiện thực hóa, UBND đã phê duyệt đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2030.
Có thể bạn quan tâm: Xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2021
Trong giai đoạn 2019-2025, thành phố sẽ hỗ trợ nâng cấp 26 sản phẩm chủ lực của các địa phương. Giai đoạn 2026-2030, sẽ hỗ trợ nâng cấp ít nhất 54 sản phẩm có thế mạnh tham gia. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 90% sản phẩm tham gia OCOP được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì và nhãn mác sản phẩm.
Hiện nay, Sở NN&PTNT Đà Nẵng đang tập trung phối hợp với các quận, huyện để hướng dẫn, tổ chức tập huấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thành hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn Đà Nẵng.
Nguồn: baodanang.vn
- 24 khóa học sẽ giúp bạn trở thành bậc thầy trong Bất động sản
- 3 dòng vốn chảy vào bất động sản đang diễn biến thế nào?
- Trang trí phòng khách vừa nhanh vừa dễ với các bí kíp dưới đây
- Nới room tín dụng có phải là “đũa thần” cho thị trường bất động sản?
- Có 131 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 cả nước, Bắc Kạn vẫn không thỏa mãn với kết quả đạt được
- Thêm 9 dự án nhà ở xã hội được hỗ trợ lãi suất 2%