Chợ chiếu Hói Đào thuộc xã Nga Thanh giáp danh với làng Ngọc Liên xã Nga Liên, nơi đây có nhiều gia đình với các gian hàng chiếu cói đủ các chủng loại màu sắc rực rỡ. Vậy chợ Hói Đào hình thành như thế nào?
Giai đoạn hình thành chợ Hói Đào
Vào những năm 1950 đến năm 1955 nhu cầu cấp thiết trao đổi hàng hóa giữa miền tạm chiếm Liên Khu Ba và vùng Tự Do kháng chiến Liên Khu Bốn. Các đường giao thông chính trị bị địch chặn lại, chỉ tồn tại một số đường nhỏ qua núi non hiểm trở là Hòa Bình Kim Tân và Hoàng Cương Chính Đại. Do vậy hàng hóa vận chuyển qua Nga Sơn là thuận tiện nhất.

Giai đoạn này có một đồn bốt của địch tại núi Mai An Tiêm nên việc qua lại trên Quốc lộ 10 bị chặn. Đường vận chuyển hàng hóa duy nhất là đường bộ: Điền Hộ qua Bến Lở sang Nga Phú qua Quy Nhân vào Liên Sơn đến Hói Đào rồi vào miền tự do Nga Sơn. Hàng ngàn người và bằng nhiều phương tiện khác nhau đã tham gia công việc buôn bán này.
Nhờ giao lưu hàng hóa mà Hói Đào trở nên sầm uất khác thường
Dân từ Phát Diệm, Lai Thành, Điền Hộ, Bình Sa, Yên Mô, Văn Hải,… Gồng mình gánh đội bê mang vác vào Nga Sơn hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ. Từ chiếc kim, sợi chỉ, vải vóc, quần áo,… và cả vũ khí đạn dược hạng nhẹ. Chúng rất cần cho cuộc sống hàng ngày và phục vụ chiến đấu Khu Bốn đặc biệt là Thanh Hóa. Các mặt hàng nông hải sản và thủ công mỹ nghệ được mang ra Liên Khu Ba tiêu thụ. Không ít người đã tham gia công việc giao thông buôn bán này. Từ ngô, khoai, thịt, cá đến gà, vịt,… được chuyển qua Nga Sơn để vào Ninh Bình, Nam Định.

Nhờ giao lưu hàng hóa như vậy mà Hói Đào trở nên sầm uất khác thường. Là nơi tập kết và phân phối hàng hóa, Hói Đào trở thành trung tâm quan trọng của Thanh Hóa. Ngoài giao lưu thuận tiện bằng đường bộ, Hói Đào còn là hải cảng lớn. Ca nô, thuyền bè lớn nhỏ nối đuôi nhau cập bến Hói Đào để chở nông hải sản vượt lạch Càn và lạch Kim Đài để sang Nam Định Thái Bình. Thuyền lớn thuyền nhỏ đầy ắp hàng hóa từ Thanh Hóa, Nghệ An cập bến Hói Đào. Những bè gỗ, tre, luồng, nứa, đồ sành, vôi gạch,… kéo về lũ lượt để bán hàng tại Hói Đào.
Có thể bạn quan tâm: Dự án Đầu tư, Xây dựng, Quản lý, Kinh doanh, Khai thác chợ Hói Đào
Dân cư Hói Đào tăng lên vùn vụt.
Dân tản cư từ Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình vào, dân Hoằng Hóa, Rừng Thông, Thiệu Hóa đổ ra. Họ lập nên cửa hàng cửa hiệu kinh doanh buôn bán. Có tới hàng trăm cửa hàng mọc lên theo đường hai bên cầu Hói Đào. Đủ loại cửa hàng: hàng tạp hóa, cửa hàng vải len dạ, các cửa hàng may mặc, các cửa hàng cắt tóc, bán sửa chữa đồng hồ, bán xe đạp, chụp ảnh nghệ thuật, bán thuốc bắc và thuốc tây, bán đồ sành sứ, các cửa hàng ăn mọc lên. Các gánh hàng giải khát lưu động, phở gánh, thịt quay, … cảnh rao bán suốt ngày và tối khuya.
Chợ Hói Đào được họp hàng ngày, ngày nào cũng đông vui người mua kẻ bán từ Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Cầu Bố, Thiệu Hóa đổ về từ Ninh Bình, Phát Diệm kéo vào. Chợ chật cứng người và đủ thứ hàng hóa được người mua bán tại đây. Dần dần hình thành lên một vùng nổi tiếng như ngày nay. Cái tên phố Hói Đào đã có từ hồi đó theo ông tôi để lại. Ngày nay Hói Đào không những không ngừng phát triển mà còn phát triển hơn thế nữa. Tạo được tiếng vang trong Huyện về tốc độ phát triển kinh tế, cũng như nhiều điểm mạnh khác…