Quận 1 đề xuất hơn 15 tỷ đồng để chấm dứt ngôi Chợ Tôn Thất Đạm từ quý 2 năm 2022. Theo đề xuất mới nhất của UBND Quận 1, khi chấm dứt Chợ Tôn Thất Đạm: hộ kinh doanh đủ điều kiện hỗ trợ sẽ nhận 69 triệu đồng/hộ, hộ kinh doanh không đủ điều kiện sẽ nhận 29 triệu đồng/hộ…Chợ Tôn Thất Đạm còn được người Sài Gòn gọi là Chợ Cũ, “Chợ nhà giàu” vì là địa chỉ quen thuộc của giới thượng lưu Sài Gòn xưa…

UBND Quận 1 vừa có văn bản 3021 ngày 15.12 gửi UBND TP. HCM, Sở Công thương, Sở Tài chính báo cáo và đề xuất chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động ngôi Chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, Quận 1).
Theo đó, sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND TP. HCM và UBND Quận 1 sẽ thực hiện chấm dứt hoạt động Chợ Tôn Thất Đạm theo quy định.

Tổng kinh phí để thực hiện chấm dứt hoạt động Chợ Tôn Thất Đạm
Số tiền được dự toán là 15.074.572.800 đồng. Trong đó:
Dự toán kinh phí cho 169 hộ đủ điều kiện hỗ trợ (có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước và có mã số thuế) là 11.661.000.000 đồng (tương đương 69.000.000 đồng/hộ, gồm các khoản: chuyển đổi nghề nghiệp 60.000.000 đồng, hỗ trợ di chuyển 4.000.000 đồng, thưởng 5.000.000 đồng).
Dự toán kinh phí cho 22 hộ không đủ điều kiện hỗ trợ là 638.000.000 đồng (tương đương 29.000.000 đồng/hộ, gồm các khoản: chuyển đổi nghề nghiệp 20.000.000 đồng, hỗ trợ di chuyển 4.000.000 đồng, thưởng 5.000.000 đồng).
Dự toán kinh phí cho 10 hộ do Ban Quản lý Chợ Tôn Thất Đạm sắp xếp qua các thời kỳ trước đây còn tồn tại cho đến nay là 40.000.000 đồng (tương đương 4.000.000 đồng/hộ, là tiền hỗ trợ di chuyển).
Dự toán kinh phí cho 21 hộ thuộc hai đơn vị là Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Bến Nghé và Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – Vissan là 609.000.000 đồng (tương đương 29.000.000 đồng/hộ, gồm các khoản: chuyển đổi nghề nghiệp 20.000.000 đồng, hỗ trợ di chuyển 4.000.000 đồng, thưởng 5.000.000 đồng).
Dự toán kinh phí tháo dỡ Chợ Tôn Thất Đạm là 500.000.000 đồng. Kinh phí hỗ trợ điện thoại cố định và internet của hộ kinh doanh là 11.440.000 đồng. Kinh phí phục vụ là 269.188.800 đồng (tương đương 2 % tổng kinh phí hỗ trợ dự toán 13.459.440.000 đồng). Dự phòng phí là 1.345.944.000 đồng (tương đương 10% tổng kinh phí hỗ trợ dự toán 13.459.440.000 đồng).
Báo cáo từ UBND Quận 1
Chợ Tôn Thất Đạm hoạt động trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé. Ngôi chợ không có quyết định công nhận hoạt động chợ của UBND TP. HCM, không có nhà lồng chợ; các hộ tự trang bị gian hàng bán kiên cố bằng các vật liệu nhẹ; được đặt cố định trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm để mua bán các mặt hàng; thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây; tạp hóa, bánh kẹo, đồ hộp, thực phẩm chế biến; quần áo, ăn uống…
Ngôi chợ có 201 hộ kinh doanh và hai đơn vị với 21 hộ kinh doanh. Trong đó Hợp tác xã Thương mại — Dịch vụ Bến Nghé 7 hộ; Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – Vissan 14 hộ.
Qua rà soát của UBND phường Bến Nghé, ghi nhận có 70 hộ có địa chỉ thường trú tại Quận 1 (trong đó 48 hộ có địa chỉ thường trú tại phường Bến Nghé), 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn (do các hộ tự khai thông tin),…
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Chợ Tôn Thất Đạm đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 16.6.2021. Với mục tiêu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ngôi chợ được hoạt động lại từ ngày 15.10.2021 đến nay, với khoảng 85 hộ đang kinh doanh.
Vì sao gọi là chợ cũ ?
Chợ Tôn Thất Đạm còn được người Sài Gòn gọi là Chợ Cũ, “Chợ nhà giàu” vì là địa chỉ quen thuộc của giới thượng lưu Sài Gòn xưa, tọa lạc ở khu vực trung tâm, đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, Quận 1).
Theo sách khảo cứu “Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người” của tác giả Nguyễn Đức Hiệp, Chợ Cũ nằm giữa kênh Chợ Vải và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi).
Chợ Cũ nằm ở trung tâm vận chuyển đường thủy qua kinh rạch ở thế kỷ XIX. Vì thế, Chợ Cũ và khu vực chung quanh là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở buôn bán của người Hoa, Việt và Ấn ở trung tâm Sài Gòn.

Bắt đầu từ những năm 1910, vai trò vận tải của đường thủy dần nhường chỗ cho hệ thống vận chuyển đường bộ và đường sắt. Các kinh rạch trong thành phố bị lấp dần để trở thành các lộ sá.
Vai trò của Chợ Cũ trong nền kinh tế giảm sút dần cho đến khi Chợ Mới (Chợ Bến Thành ngày nay) được thành lập năm 1914 gần bến xe, nhà ga xe lửa nối với Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây thì Chợ Cũ gần như không còn được nhắc đến.
Sự hiện diện cho đến tận ngày nay
Tuy nhiên, Chợ Cũ vẫn hiện diện từ ngày đó đến nay, dù không phải bằng vẻ rạng rỡ của cột gạch, lợp ngói thuở nào, mà bằng những quầy sạp đơn sơ trên lề đường. Và hình ảnh của khu Chợ Cũ xưa – Chợ Tôn Thất Đạm nay, cũng đã lưu dấu đậm sâu trong ký ức người Sài Gòn nhiều thế hệ…
- 24 khóa học sẽ giúp bạn trở thành bậc thầy trong Bất động sản
- Thị trường bất động sản Long An chuyển mình
- Thừa Thiên Huế: Đóng cửa chợ, cấm người dân ra đường khi siêu bão Noru đổ bộ
- Thẩm định giá bất động sản là gì?
- Đầu tư, phát triển chợ truyền thống: Những vấn đề pháp lý cần đặt ra
- 7 cách sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu