Nhiều nhà ở xã hội để hoang vì sao ?

Vì sao nhiều khu nhà ở xã hội vẫn ế sau nhiều năm rao bán?

(LĐTĐ) Thị trường nhà ở xã hội (NƠXH) đang xảy ra nghịch lý khi một số dự án nhà được khách hàng chen chân mua hàng, thậm chí bị “cò” thổi giá chênh tới hàng trăm triệu đồng/căn, thì lại có những dự án mở bán đến lần thứ 19 vẫn ế ẩm.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH trong toàn quốc giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn…
Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa
Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa
Thế nhưng kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện (hoàn thành bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, tương đương 4.085.000 m2 sàn nhà ở) được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 NƠXH.
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả phát triển NƠXH vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thẳng thắn chia sẻ, là do nguồn vốn đầu tư phát triển NƠXH còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển NƠXH
Đặc biệt là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội; mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở và do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.

Nơi chen chân, nơi ế ẩm

Thời gian gần đây, rất nhiều dự án NƠXH có vị trí địa lý, quy hoạch phù hợp thu hút được đông đảo sự quan tâm từ người dân. Đơn cử như dự án NƠXH tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội mới được khởi công xây dựng và đang trong giai đoạn bán hồ sơ cho khách mua nhà. Hay như dự án NƠXH Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, giá căn hộ được chủ đầu tư bán với mức giá 16,5 triệu đồng/m2 nhưng tại nhiều sàn môi giới mức giá chào bán cũng “chênh” vài trăm triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua thị trường ghi nhận đã có những dự án rất đắt hàng, khách hàng phải bốc thăm chờ may rủi để được một suất mua như dự án khu nhà ở xã hội “kiểu mẫu” Rice City Linh Đàm, chung cư Đại Kim, quận Hoàng Mai, Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, chung cư 622 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và một vài dự án khác khu vực nội thành.

Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa
Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít dự án quá xa trung tâm lại rơi vào tình cảnh ế ẩm. Mới đây, Dự án NƠXH AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) do Cty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư thông báo mở bán lần thứ 12. Dự án có tổng số 1.496 căn. Sau 11 lần bán, chủ đầu tư mới bán được 475 căn hộ xã hội, còn 231 căn hộ dành cho thuê mua vẫn còn nguyên. Lần bán thứ 12 này, chủ đầu tư công bố đẩy ra thị trường 354 căn với giá 14.017.594 đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và 2% phí bảo trì). Dự án được bán suốt từ năm 2015 đến nay vẫn chưa hết hàng.

Đặc biệt, dự án NƠXH tại Quốc Oai cũng phá kỷ lục khi mở bán đến lần thứ 19 trong suốt 5 năm qua. Đến nay, chủ đầu tư vẫn còn bán 42/364 căn, giá bán 9,96 triệu đồng/m2 (bao gồm cả VAT và phí bảo trì). Tương tự, Dự án NƠXH Phú Lãm (Hà Đông) cũng qua 5 năm bán song vẫn còn tồn đọng.

Quan trọng ở quy hoạch

Lý giải về nghịch lý này, giới chuyên gia quy hoạch – xây dựng nhìn nhận, gói tín dụng cho nhà ở xã hội sẽ giải quyết được nguồn vốn cho NƠXH nhưng chưa giải quyết tốt vấn đề quỹ đất. Đặc biệt, việc xây dựng NƠXH cần phải xuất phát trên cơ sở yêu cầu của xã hội, của thị trường và phải được xây dựng theo đúng cấu trúc, tiêu chuẩn của một mô hình đơn vị ở hoàn chỉnh.

Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa
Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa

Có nghĩa đó phải là một khu ở được quy hoạch đồng bộ các chức năng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo cuộc sống của cư dân văn minh và chất lượng thì mới thu hút được người vào ở.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sức mua của một dự án nhà ở xã hội phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và hạ tầng khu vực, đó là câu lý do khi nhiều dự án gây ra hiện tượng “cháy hàng”, còn đa số các dự án ở xa trung tâm thì ế ẩm.

“Lý do, các dự án nhà ở xã hội không đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, nên việc xây dựng các công trình xã hội sẽ gây lỗ dự án. Vì vậy, khi lựa chọn dự án xa trung tâm, cho dù giá rẻ, song các dịch vụ xã hội đi kèm tương đối thiếu thốn. Đó là lý do khiến cho người mua không mấy mặn mà” – ông Đính cho hay.

Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa
Nhà ở xã hội hình ảnh minh họa

Được biết, trong thời gian tới, nhằm giải quyết nhu cầu về NƠXH nói chung và NƠXH trong công nhân nói riêng, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020.

Đối với khoảng 1,7 triệu mét vuông sàn NƠXH còn thiếu so với kế hoạch, thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và kiến trúc nghiên cứu quy hoạch, xây dựng 5 dự án khu NƠXH tập trung với tổng diện tích khoảng 277,94ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín.

Hiện tại hai khu thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 84,22ha, dân số khoảng hơn 23.000 người, tổng số 6.500 căn hộ. Ba khu còn lại thì đã có hai khu được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Với quy hoạch này, các khu NƠXH sẽ có cảnh quan đồng bộ, đảm bảo được các tiêu chí về sinh hoạt, hạ tầng xã hội, giao thông thuận tiện, phù hợp với thu nhập người lao động, từ đó đáp ứng đủ yêu cầu của đại đa số khách hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *