Thực trạng và xu hướng xây dựng lại chợ truyền thống trong các đô thị hiện nay

Mở đầu Thế kỷ 21 là thế kỷ bùng nổ các đô thị. Đây là thế kỷ đô thị đầu tiên mà đến cuối thế kỷ này phần lớn dân cư sẽ sống trong các khu đô thị. Đô thị hóa là xu thế khách quan và chợ là một trong 5 loại công trình dịch vụ cơ bản trong đô thị.

Trong quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, chợ là một trong 5 loại công trình dịch vụ cơ bản trong đô thị. Các loại hình chợ trong đô thị gồm: Chợ tổng hợp, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ truyền thống,… Hiện nay trên cả nước có gần 9000 chợ truyền thống, 80% hàng hóa chuyển qua kênh phân phối này. Qua đây ta thấy mức độ quan trọng của chợ truyền thống trong phân phối bán lẻ.

Tại các nước phát triển, chợ truyền thống vẫn tồn tại ( Ảnh: chợ trời Marché aux puces tại Pháp)
Tại các nước phát triển, chợ truyền thống vẫn tồn tại ( Ảnh: chợ trời Marché aux puces tại Pháp)

Chợ truyền thống là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân

Đây cũng là nơi thể hiện bộ mặt và trình độ phát triển của cả vùng miền. Bên cạnh việc mua bán thông thường, chợ còn là nơi giao lưu bạn bè, trao đổi thông tin… Vậy nên chợ là một nét văn hóa, mang trong mình biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc. Vừa cũ xưa, dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi tắn bởi sự sôi động, ồn ào.

Chợ truyền thống, chợ dân sinh vốn được coi là một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân. Đồng thời trở thành môi trường giao tiếp xã hội và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng từ vài năm gần đây, ở nước ta chợ đang bị thay thế nhanh chóng bởi các siêu thị lớn nhỏ, khu trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp văn phòng cho thuê. Đã làm cho không ít các chuyên gia cũng như người dân trăn trở, băn khoăn, lo ngại.

Thực trạng, thách thức của đô thị hóa

Đô thị Việt Nam có chung các đặc trưng cơ bản của thành phố châu Á. Nước ta vẫn còn là một nền kinh tế đang phát triển với một khu vực nông thôn rộng lớn. Trong cơn sốt phát triển theo kinh tế thị trường, đô thị Việt Nam như một công trường xây dựng lớn, khá hỗn độn. Thiên nhiên bị phá hủy, đất nông nghiệp bị lấn chiếm để xây dựng khu đô thị, resort, sân golf…

Các mặt yếu kém của đô thị xuất hiện càng nhiều: ô nhiễm, nhà ổ chuột, ách tắc giao thông. Không ít trung tâm lịch sử, di tích và tiện ích công cộng bị phá hủy. Như khu phố cổ Hà Nội, khu phố Pháp, phố Tàu cũ ở TP. HCM và cả một số chợ lâu đời ở Hà Nội, TP HCM nữa…

Một đô thị được lên loại sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn
Một đô thị được lên loại sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn

Đô thị ở Việt Nam lại đang có xu hướng phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu.

Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính lại nằm ở Hà Nội.

Một đô thị được lên loại sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn nhưng hiện có nhiều đô thị mới mọc lên rất xa thành phố, nơi không tập trung nhiều nhu cầu thật sự của người dân đô thị. Mối nguy hiểm của những đô thị mới này là chúng ngốn nhiều tiền của để xây dựng và kết nối với các đô thị có sẵn thay vì tập trung cải thiện các trung tâm đô thị sẵn có trước khi mở rộng đô thị, nâng cấp và cải tạo CTDVĐT trong đó có hệ thống chợ truyền thống, chợ dân sinh. Trong khi đó tính năm 2010, cả nước có gần 9.000 chợ. Trong đó có 8.578 chợ theo quy hoạch, chợ trong đô thị chiếm 21%.

Thực trạng chung về chợ truyền thống

Về chợ truyền thống phải nói có một thời gian dài bộc lộ nhiều yếu điểm. Ngoài công tác quản lý lỏng lẻo, hầu hết các chợ xây từ trước năm 1975. Hiện nay xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, thiếu an toàn khiến khách hàng bất tiện khi mua sắm. Tình trạng bán không đúng giá, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, thói quen tiêu dùng thay đổi cũng ảnh hưởng mạnh đến sự tồn tại của chợ truyền thống. Sức hút từ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã khiến người tiêu dùng gần như bỏ chợ.

Không ít chuyên gia cho rằng, chợ truyền thống, chợ cóc… là nguyên nhân làm mất mỹ quan đô thị và an toàn thực phẩm. Cho dù thực tế có nhiều nguyên nhân từ phía quản lý, kiểm tra giám sát chưa hiệu quả. Vì vậy, việc nâng cấp, đóng cửa một số chợ, xóa chợ cóc, chợ tạm là cần thiết để bảo vệ mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, điều này lại làm xuất hiện các chợ tạm đường cái với người bán hàng rong. Vì các chợ như thế đáp ứng ngay đòi hỏi thiết yếu của cộng đồng.

Trước áp lực này, việc quy hoạch phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hành tiện ích (CHTI) cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và cạnh tranh được đặt ra một cách cấp bách trong những năm qua.

Chợ truyền thống trong đô thị cũ

 Chợ là một trong những xuất phát điểm của rất nhiều đô thị.
Chợ là một trong những xuất phát điểm của rất nhiều đô thị.

Một thực trạng là do nguyên nhân khan hiếm mặt bằng tại khu vực trung tâm thành phố. Nên một số chợ truyền thống bị thay thế bằng chợ truyền thống kết hợp với siêu thị, văn phòng cho thuê. Đó là do “sự sáng kiến” cho rằng sẽ là sự kết hợp giữa chợ truyền thống, TTTM và văn phòng để giải quyết được vấn đề này. Theo mô hình là: trong cao ốc hợp khối, chợ truyền thống thường được bố trí ở tầng hầm. Còn tầng 1, tầng 2 là TTTM, các tầng trên là văn phòng cho thuê. Và hy vọng rằng: “Sự tái sinh của chợ truyền thống theo kiểu cấy ghép này sẽ tạo ra một mô hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi”.

Theo đó, việc cải tạo chợ truyền thống theo mô hình trên sẽ khai thác được rất nhiều lợi thế. Như: nằm ngay tại khu trung tâm, là vị trí đắc địa cho bán lẻ và vì là khu vực mua sắm truyền thống nên đã có sẵn khách hàng quen. Mặt khác khu vực tập trung dân cư đông nên đối tượng khách hàng rất đa dạng…

Một Kiến trúc sư có tiếng đã nói: “… tôi đã từng vẽ ra và tham gia tân trang những cái chợ dột nát giữa trung tâm Hà Nội. Nhưng chỉ là cố gắng thay thế chợ cũ bằng cái chợ tươm tất hơn. Nhưng cách làm chợ mới như chợ Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Mơ… có là hình mẫu để thay thế cho các chợ khác tại Hà Nội thì có lẽ cần cân nhắc”.

Những quy định cần lưu ý

Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27 ngày 15/02/2007 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Theo đó một Quyết định đúng đắn của Bộ Công thương đó là Quyết định số 012/2007/QĐ-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2007, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ:

Chợ dân sinh ở thành thị: hạn chế xây mới; cải tạo các chợ nhỏ không đủ tiêu chuẩn sang các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi; nâng cấp thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các khu vực dân cư.

Có thể bạn quan tâm: Tiểu thương chợ Đô Lương chuyển vào chợ hiện đại bậc nhất xứ Nghệ

Thay cho lời kết

1. Mãi mãi không bao giờ thiếu chợ truyền thống được và không có gì thay thế chợ truyền thống được;

2. Quy hoạch chợ phải xếp hàng đầu về thuận tiện và rất rất cần tham khảo ý kiến cộng đồng;

3. Kiến trúc chợ phải an toàn, khoáng đạt và hướng đến tương lai;

4. Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ là vấn đề rất cần coi trọng và luôn phải được kiểm soát;

5. Bản sắc văn hóa địa phương, văn hóa vùng miền mãi mãi phải được đề cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên Hệ